NHỮNG ĐỨC TÍNH CĂN BẢN CỦA NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH TRONG PHỤC VỤ

Phục vụ là sử dụng khả năng, sức lực, tài khéo của mình để làm những công việc vì lợi ích chung hay giúp đỡ người khác thông qua những việc thiết thực nhờ đó con người và cuộc sống của họ được thăng tiến mọi mặt. Nói cách khác, phục vụ là giúp đỡ, là làm đầy tớ, là bạn đồng hành chăm lo người khác và quan tâm đến những nhu cầu thiết thực của họ.

Nhìn trong gia đình chúng ta có thể thấy ông bà cha mẹ phục vụ con cháu, anh chị em phục vụ lẫn nhau, con cháu phụng dưỡng ông bà cha mẹ. Ngoài xã hội, mỗi người là một thành phần đóng góp công sức phục vụ nhân quần xã hội. Trong Hội thánh, trong cộng đoàn lớn nhỏ, mỗi người là một chi thể sống và làm việc vì lợi ích cho tập thể.

Để trở thành người phục vụ tốt, gương mẫu, xứng đáng thì chúng ta cần hội đủ những đức tính căn bản hạn như khiêm tốn, quảng đại, tế nhị, tận tâm và hy sinh quên mình.

Nội dung bài viết

KHIÊM TỐN

Khiêm tốn là đức tính hàng đầu của người phục vụ. Khiêm tốn không phải là khúm núm, e dè, tự hạ thấp mình nhưng là chấp nhận mình là bạn hữu thiết thân, là người đồng hành của người khác, sẵn sàng tôn trọng và quý mến người khác vì họ là đối tượng đáng để ta tự nguyện dấn thân phục vụ.

Vì thế, đừng quan trọng hóa bản thân mình, đừng coi mình hơn người khác hoặc muốn ngang hàng với người khác, ‘đừng cho mình là khôn ngoan’, ‘đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn’. Hãy tập sống âm thầm, quên mình, nhận lấy thân phận thấp hèn, “coi người khác trọng hơn mình”.

Chỉ khi ta hạ mình xuống, người khác mới được nâng lên; chỉ khi ta chịu nhỏ xuống, người khác mới có thể lớn lên; chỉ khi ta thành người nghèo khó, người khác mới trở nên giàu có; chỉ khi ta chấp nhận bị khinh khi, người khác mới được tôn trọng; chỉ khi ta chịu kém cỏi, người khác mới được khôn ngoan”.

QUẢNG ĐẠI

Một đức tính khác của người phục vụ cũng rất quan trọng, đó là sự quảng đại. Quảng đại là mở rộng lòng ra để đón nhận tha nhân, là cho đi mà không cần nhận lại. Đó là phục vụ không tính toán, không tư lợi, không vị kỷ.

Chúng ta thử xem, trong gia đình cha mẹ phục vụ con cái có bao giờ đòi hỏi quà cáp bồi dưỡng, lương lậu hay trả công gì đâu. Họ yêu thương con cái như trời bể. Yêu thương vô điều kiện. Yêu thương vô giá. Đó là mẫu gương về một sự phục vụ quảng đại và bao dung.

Những gương sáng về sự hy sinh quên mình phục vụ bất chấp sự nguy hiểm tột cùng của virus corona thì rất nhiều không sao kể hết. Bên cạnh những người mà chúng ta biết được, còn có rất nhiều tấm gương khác, đó là những người sống âm thầm, phục vụ âm thầm và chết âm thầm.

TẾ NHỊ

Tế nhị là sự khôn khéo, cân nhắc, thận trọng trong lời nói và hành động của ta, khi tiếp xúc cũng như khi phục vụ tha nhân. Nhiều người rất tốt, rất nhiệt tình nhưng vì thiếu tế nhị nên dễ dàng đánh mất thiện cảm và làm hỏng việc.

Thực vậy, “Có những điều người ta thể hiện rất khôn nhưng không khéo nên dễ gây đụng chạm, đổ vỡ. Có những điều người ta rất thông thạo nhưng không tinh tế sẽ làm mất hòa khí và gây ra mặc cảm cho người khác. Có những điều cần phải nói lý lẽ nhưng nếu không nhã nhặn sẽ biến thành việc tranh chấp, hơn thua”.
Sự tế nhị trong phục vụ luôn được thể hiện qua việc nghĩ tốt và tôn trọng người khác.

Trước hết, ta cần tôn trọng người được phục vụ. Dù mình là ai, chức vụ, địa vị ra sao, giàu có quyền lực thế nào thì cũng không nên coi thường, khinh chê người khác. Nếu ta có thái độ hống hách, ăn nói trịch thượng, thì sẽ làm cho người mà ta đang giúp đỡ, phục vụ mang mặc cảm sợ hãi, tự ti và nhút nhát. Chúng ta hãy chứng tỏ mình cao thượng, biết người biết ta và luôn làm cho người khác được an tâm hài lòng. Thi sĩ R. Tagore nói: “Lòng nhân ái và lối ứng xử nhẹ nhàng là biểu hiện của một tâm hồn cao thượng”.

Bên cạnh đó, ta cũng cần luôn nghĩ tốt về người khác. Nghĩ tốt không phải là che đậy sự thật không tốt về người khác nhưng là cảm thông với con người và hoàn cảnh cụ thể của họ. Từ ý nghĩ bên trong, chúng ta sẽ có thái độ ứng xử thích hợp bên ngoài.

TẬN TÂM

Khi nói đến đức tính tận tâm hay tận tụy ta liên tưởng tới sự nhiệt tình và sự chu đáo. Người ta thường nói, “tận tâm phục vụ, nhiệt tình phục vụ hay phục vụ chu đáo”. Nói tắt, đó là hết lòng phục vụ.

Trong đời sống thực tế, ta thấy việc hết lòng phục vụ không phải là dễ.

Chẳng hạn ca dao Việt Nam có câu: “Cha mẹ nuôi con bể hồ lai láng/ Con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày”. Sự tận tâm, tận tụy của chúng ta khi phục vụ phải xuất phát từ tấm lòng chân thực, chứ không thể là một sự đóng kịch, giả hình, che mắt thiên hạ.

Mẹ thánh Têrêxa Calcutta đã nói “Hoa quả của đức tin là tình yêu, hoa quả của tình yêu là phục vụ và hoa quả của phục vụ là bình an”. Một tình yêu đích thực sẽ luôn làm nảy sinh sức sống mãnh liệt giúp cho việc phục vụ đạt tới cùng đích cuối cùng. Vị mục tử phục vụ cộng đoàn sẽ luôn dõi theo gương Ðức Giêsu Kitô là Đấng đã coi sự phục vụ như một luật nền tảng, hoặc đúng hơn, một lối sống, một gương mẫu cho mọi mối tương giao trong Hội thánh và trong xã hội con người./.

TH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *